Thay vì chung lưng đấu cật cùng chính phủ Anh vượt qua giai đoạn khó khăn, BLĐ Liverpool đã chọn cách giữ chặt túi tiền và chấp nhận để những giá trị cao đẹp của đội bóng bị bong tróc.
1. Vó ngựa Trung Cổ đã lùi vào quá vãng nhưng tinh thần hiệp sĩ vẫn in đậm trong văn hóa ứng xử của đảo quốc sương mù. Bóng đá không phải ngoại lệ. Phong cách mã thượng của người Anh được thể hiện rõ tới mức có thời gian họ xem chuyền bóng là... chuyện hèn hạ và chỉ dành cho những kẻ yếu ớt tại xứ sở sương mù.
Thế nên, tại sinh quán, bóng đá một thời hao hao bóng bầu dục, vì mỗi khi cầu thủ cao nhất trong đội hình nhận bóng, anh ta sẽ lao về phía trước thay vì phối hợp với đồng đội. Bước ngoặt chỉ đến vào một ngày cuối tháng 3/1928, cách đây tròn 92 năm. ĐT Anh tiếp đón Scotland tại thánh địa Wembley và thua để 1-5.
So với trận thua 3-8 trước Hungary của thế hệ Puskas, trận thua này không nổi tiếng bằng nhưng lại đem đến cho người Anh nỗi nhục nhiều hơn. Bởi lẽ, Scotland là kình địch láng giềng và vẫn bị người Anh khinh miệt. Từ thảm bại trước Scotland, người Anh phải nhìn nhận lại cách chơi bóng của chính họ.
Ở trận đấu này, những hiệp sỹ sân cỏ đã gục ngã trước những người đàn ông “mặc váy” bé nhỏ nhưng linh hoạt và uyển chuyển cùng những đường chuyền tí tách. Do đó, người Anh phải hạ mình học hỏi cách chơi bóng thấp kém của người Scotland, tức chấp nhận chuyền bóng là điều cần thiết để đá bóng.
2. Cùng khoảng thời gian thảm bại trước Scotland, FA thay đổi luật việt vị từ cầu thủ tấn công phải đứng trên 3 cầu thủ đối phương xuống còn 2 đã tạo ra khúc cua định mệnh cho dòng chảy chiến thuật túc cầu, để bước sang thập niên 1930, Arsenal tung hoành với sơ đồ WM do vị chiến lược gia vĩ đại Herbert Chapman sáng tạo nên. Linh hồn của sơ đồ này là tiền vệ Alex James, thủ lĩnh ĐT Scotland đã đè bẹp người Anh.
Người Anh tuy chấp nhận chuyền bóng là một phần của cuộc chơi nhưng tinh thần hiệp sĩ vẫn được lưu giữ trong cốt cách thi đấu cho đến tận ngày nay. Đó là sự máu lửa, tấn công và chối từ dùng thủ đoạn. Thế nên, các cầu thủ Anh vẫn bị xem là ngô nghê so với những cầu thủ quốc gia khác, đặc biệt là những cầu thủ Nam Mỹ tinh quái.
Bởi vậy, Ngoại hạng Anh, với lối chơi tốc độ và tận hiến trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh và đem lại những khoản doanh thu bạc tỷ. Tựu trung, tinh thần hiệp sĩ mãi là ngọn hải đăng soi lối cho không gian văn hóa Anh, để cách ứng xử mã thượng luôn thấm đẫm và là thước đo chuẩn mực.
Liverpool là một trong những biểu tượng của môi trường bóng đá mã thượng ấy. Một đội bóng hội tụ đầy đủ giá trị và tiêu chuẩn, sinh ra từ cộng động và đạt được những thành tựu vĩ đại. You’ll never walk alone mãi mãi là một trong những bài hát truyền thống vĩ đại nhất của thế giới bóng đá.
3. Đáng tiếc, danh tiếng của đội chủ sân Anfield đang dần bị phai mờ bởi một kế hoạch có phần... hạ đẳng từ giới chủ. Lợi dụng chính sách hỗ trợ 80% lương, tối đa 2.500 bảng, của chính phủ Anh trong bối cảnh Covid-19 hoành hành và tàn phá, BLĐ Liverpool quyết định cho nghỉ việc tạm thời một nửa số lượng công nhân viên với cam kết chi trả... 20% lương.
Như vậy, BLĐ Liverpool thà rút tiền viện trợ của nhà nước hơn là trực tiếp hỗ trợ công nhân viên. Tinh thần hiệp sĩ đã bị xếp xó trong lúc nguy nan. Điều đáng nói, Liverpool đâu nằm trong nhóm các CLB bên bờ vực phá sản. Ngược lại, The Kop là một trong những đội bóng thành công nhất cả về chuyên môn lẫn tài chính trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.
Báo cáo tài chính được công bố hôm 27/2 cho thấy Liverpool đạt lợi nhuận trước thuế 42 triệu bảng và doanh thu lên đến 533 triệu bảng ở mùa 2018/19. Hơn nữa, ông chủ của đội bóng này, John Henry, là một tỷ phú với khối tài sản ước tính lên tới 4 tỷ bảng. Tuy nhiên, ông là một doanh nhân người Mỹ chứ không phải hiệp sỹ người Anh.
Tư duy đừng để tiền rơi có phần con buôn đã được áp dụng thay vì một hành động chung tay vì cộng động. Hành động này tạo ra một làn sóng phản ứng dữ dội không chỉ ở người ngoài cuộc mà ngay cả từ người hâm mộ đội bóng hay những huyền thoại của Liverpool, từ Dietmar Hamann đến Jamie Carragher.
Và cũng đừng quên, Juergen Klopp, HLV của Liverpool, một người đàn ông tử tế, đã mất bao nhiêu công sức để gầy dựng cho The Kop một đế chế hùng mạnh và thấm đẫm tinh thần mã thượng hiệp sĩ như ngày nay. Vậy mới thấy, giữa cơn bão đại dịch, khi sự tồn vong cận kề, ngay cả những giá trị cao đẹp và tưởng như trường tồn cũng có thể bị bong tróc. Thật đáng buồn cho một biểu tượng nhưng hy vọng chỉ là thiểu số.